Friday, December 30, 2016

Đánh giá WD Blue SSD: đánh dấu sự trở lại với SSD -

Đánh giá WD Blue SSD: đánh dấu sự trở lại với SSD -

Ổ thể rắn SSD đã trở thành linh kiện bắt buộc phải có trên những chiếc máy tính hiệu năng cao từ nhiều năm nay. Là một trong hai nhà sản xuất ổ cứng (HDD) lớn nhất thế giới, Western Digital hiểu rằng họ cần phải tham gia cuộc chơi này.

Thực tế là Western Digital đã từng tham gia thị trường SSD vào năm 2010 với sản phẩm có tên SiliconEdge Blue, nhưng ổ SSD này không thành công vì mức giá khá cao so với hiệu năng. Vài năm sau, hãng giới thiệu sản phẩm SSD lai ổ cứng WD Black2 nhưng cũng không gây được ấn tượng. Phải đến khi đã mua lại nhà sản xuất Sandisk và công nghệ tiến đến mức mang lại mức giá hợp lý thì Western Digital mới trở lại thị trường SSD.

Lần này Western Digital giới thiệu hai dòng sản phẩm SSD: WD Green và WD Blue. Giống như dòng sản phẩm ổ cứng (HDD) trước đây, WD Green hướng tới đối tượng người dùng muốn dung lượng cao nhất với giá thành thấp nhất, còn WD Blue đảm bảo hiệu năng cao hơn cùng mức giá hợp lý. Cả hai đều sử dụng chip nhớ NAND dạng TLC (lưu trữ 3 bit trên 1 ô nhớ) của Sandisk, gia công trên tiến trình 15nm.

Tại Việt Nam, Western Digital mới bắt đầu đưa về sản phẩm WD Blue, là phiên bản cập nhật của Sandisk X400, một trong những SSD dùng NAND TLC có tốc độ nhanh nhất. Giá của nhà sản xuất công bố cho WD Blue từ 2,49 triệu đồng cho dung lượng 256GB. Sản phẩm chúng tôi đánh giá trong bài là WD Blue dung lượng 1TB, có giá bán đề xuất là 8,19 triệu đồng.

Thông số: dùng NAND TLC, độ bền cực cao

Trong bảng thông số trên, có một số chi tiết đáng chú ý. Thứ nhất, ổ WD Blue sử dụng NAND TLC của Sandisk, là loại chip nhớ phổ biến trên những SSD phổ thông hiện nay. NAND TLC đem lại chi phí thấp nhất nhưng hiệu năng sẽ khó sánh được với các loại ổ MLC (lưu trữ 2 bit trên 1 ô nhớ).

Một thông số khác cũng rất đáng chú ý là độ bền trên phiên bản 1TB lên đến 400TBW (TeraByte Written), là mức rất cao đối với ổ dùng NAND TLC. Thông số này có nghĩa độ tin cậy của SSD sẽ được đảm bảo ít nhất tới khi đã ghi đến 400TB dữ liệu lên ổ. Trong thực tế những ổ SSD mà người viết đã sử dụng, mức ghi chỉ khoảng 2 – 4TB/năm, như vậy tôi có thể dùng tới hơn… 100 năm mới hết vòng đời của SSD WD Blue.

Thiết kế và phụ kiện đều rất đơn giản

WD Blue có hai phiên bản: một bản là ổ 2.5 inch kết nối cổng SATA III, và một là ổ kết nối cổng M2 2280. Sản phẩm trong bài là bản 2.5 inch, đây cũng là dạng phổ biến hơn và có thể lắp đặt vào phần lớn máy tính.

Phần tem ở mặt trên của ổ rất đơn giản, thông tin đáng chú ý chỉ gồm màu xanh (blue) và dung lượng ổ. Ổ có độ dày 7mm nên thích hợp với các laptop có khe gắn ổ cứng mỏng. Đáng tiếc là nhà sản xuất không tặng kèm một khay chèn để tăng độ dày cho ổ. Như vậy nếu như lắp vào những chiếc laptop có khay ổ cứng 9.5mm, ổ sẽ không khít vào khay và bạn có thể phải gia cố thêm cho chắc chắn.

Về mặt phụ kiện, WD cũng không tặng kèm phần mềm của bên thứ ba hay phần mềm quản lý SSD. Các nhà sản xuất SSD thường cung cấp phần mềm theo kèm với tính năng theo dõi tình trạng sức khỏe, cập nhật firmware, sao chép (clone) dữ liệu hoặc xóa sạch (secure erase) ổ. Tuy nhiên hiện tại WD chưa có phần mềm như vậy.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ đi tới phần đánh giá quan trọng nhất: hiệu năng của ổ.

Phương pháp đánh giá hiệu năng

Hiệu năng là yếu tố quan trọng nhất của SSD, nhưng yếu tố này thường được các nhà sản xuất đề cập rất hời hợt. Các thông số mà nhà sản xuất (kể cả Apple cũng vậy) thường công bố là tốc độ đọc/ghi liên tục, nhưng đây lại không phải là yếu tố thể hiện rõ nhất hiệu năng của một chiếc SSD.

Sự khác biệt của SSD so với HDD nằm ở khả năng truy xuất dữ liệu ngẫu nhiên, tức là những dữ liệu được sắp xếp ở các ô nhớ không liền nhau nhau trên ổ. Bản chất của bộ nhớ flash cho phép truy cập ngẫu nhiên, cùng lúc nhanh hơn nhiều so với bộ nhớ cơ trên HDD. Tốc độ đọc/ghi liên tục (ghi file lớn, vào những ô nhớ liền nhau) của SSD cũng vượt trội so với HDD, nhưng trong sử dụng thực tế thì đọc/ghi ngẫu nhiên mới là quá trình diễn ra nhiều nhất.

Ngoài ra một yếu tố cũng rất quan trọng nữa của SSD là khả năng hoạt động khi ổ đầy. Do bản chất của bộ nhớ flash, hiệu năng sẽ giảm xuống khi dung lượng trống không còn nhiều. Khi ổ gần đầy, bộ điều khiển của ổ cũng sẽ phải hoạt động "vất vả" hơn để dọn những phần "rác" (garbage collection) và tìm ra chỗ trống để ghi đè.

Dựa trên những đặc điểm trên, chúng tôi đánh giá SSD ở hai trạng thái: trạng thái thứ nhất là khi ổ mới được cài đặt, chưa ghi dữ liệu, còn trạng thái thứ hai là khi ổ đã gần đầy (trên 90% dung lượng). Ở mỗi trạng thái, ổ được đánh giá qua các ứng dụng giả lập đọc/ghi (CrystalDiskMark, AS SSD, HD Tune Pro) và bài đánh giá hoạt động thực tế.

Bài đánh giá hoạt động thực tế được thực hiện với phần mềm PCMark 8. Phần mềm này sẽ tạo ra các tác vụ gồm mở và xử lý tập tin văn phòng (Word, PowerPoint), tập tin đa phương tiện (Photoshop, Illustrator) và cả tốc độ bật, chơi các game như World of Warcraft và Battlefield 3. Kết quả được ghi lại cả theo tốc độ và điểm số do phần mềm đánh giá.

Dưới đây là cấu hình hệ thống được dùng để đánh giá SSD trong bài viết này. Ổ WD Blue đóng vai trò là ổ cài hệ điều hành và phần mềm trong quá trình đánh giá.

Cấu hình sử dụng trong bài đánh giá, được cung cấp bởi công ty TNHH Mai Hoàng

Kết quả đánh giá hiệu năng

Đầu tiên chúng ta sẽ dùng bài thử dễ dàng nhất cho ổ SSD: đọc/ghi dữ liệu liên tục với kiểu dữ liệu đồng nhất. Mục tiêu của bài đánh giá này là cho ra số liệu đọc/ghi lớn nhất để so sánh với con số mà nhà sản xuất công bố. Kết quả từ phần mềm CrystalDiskMark (dòng đầu tiên, Seq Q32T1) khá tương đồng với thông số do WD công bố: tốc độ đọc nhanh hơn kha khá, nhưng tốc độ ghi thì kém hơn một chút.

Tiếp theo là các kết quả khi ổ còn trống (chỉ cài hệ điều hành và một số phần mềm).

Một đặc điểm của ổ dùng chip nhớ TLC là có một phân vùng nhỏ được dùng làm bộ nhớ đệm, sử dụng chip nhớ SLC. Phân vùng này sẽ có tốc độ cao hơn hẳn, và với dữ liệu ghi có dung lượng nhỏ hơn bộ nhớ đệm thì tốc độ copy sẽ rất nhanh. Nếu dữ liệu lớn hơn bộ nhớ đệm thì tốc độ sẽ giảm mạnh.

Với kết quả ở mục File Benchmark của HD Tune Pro, có thể thấy bộ nhớ đệm SLC trên WD Blue vào khoảng 10GB.

Khi ổ được ghi dữ liệu lên tới 93%, tốc độ không bị ảnh hưởng nhiều. Dưới đây là một số kết quả ở mức dung lượng 93%:

Bài đánh giá bằng PCMark 8 cho thấy kết quả của WD Blue thua kém một chút so với chiếc Samsung 850 EVO.

Mức chênh lệch tốc độ giữa hai trạng thái: ổ trống và gần đầy.

Khi đánh giá hiệu năng thực tế bằng phần mềm PC Mark 8, ở cả hai trạng thái hiệu năng của ổ gần như không bị ảnh hưởng. Dưới đây là bảng tốc độ chi tiết của các bài đánh giá:

Tốc độ qua từng bài đánh giá (nhỏ hơn là tốt hơn) và tổng điểm qua phần mềm PC Mark 8

Kết luận

Ổ SSD WD Blue đem lại hiệu năng ổn so với một sản phẩm sử dụng chip nhớ TLC. Tốc độ của sản phẩm này vẫn còn thua kém một chút về hiệu năng so với Samsung 850 EVO, dòng SSD dùng chip nhớ TLC phổ biến nhất hiện nay.

Việc WD chưa cung cấp phần mềm cho các tiện ích liên quan cũng có thể coi là một điểm trừ. Điểm cộng của dòng sản phẩm này là độ bền cao, phần nào giúp người dùng yên tâm sử dụng.

Giá bán trên thị trường cho dòng WD Blue hiện tại vào khoảng 2,1 triệu đồng cho bản 250GB. Xét về hiệu năng/giá thì WD Blue hiện tại chỉ ở mức khá, chưa thực sự nổi bật. Nếu như muốn tìm kiếm sản phẩm SSD để có tốc độ tốt hơn ổ cứng thông thường, đồng thời có mức giá/dung lượng tốt thì bạn đọc có thể tham khảo dòng sản phẩm SSD WD Green.

Anh Tú

Thursday, December 29, 2016

So máy hút ẩm Edison ED12B và FujiE 614EB: cùng tầm giá, chọn máy nào? -

Thời tiết nồm ẩm gây ra nhiều phiền phức: làm ướt sàn nhà nguy hiểm khi đi lại, nấm mốc phát triển hoặc làm hỏng các thiết bị điện tử.

Để chống ẩm, chúng ta có thể sử dụng các vật liệu hút ẩm hay bật điều hòa nhưng những cách này thường tốn kém và hiệu quả không cao bằng cách trang bị chiếc máy máy hút ẩm chuyên dụng. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ so sánh hai chiếc máy hút ẩm đến từ hai thương hiệu khá phổ biến trên thị trường hiện nay là Edison-ED12B và FujiE 614EB.

So về công suất hút ẩm

Công suất hút ẩm trên chiếc Edison ED12B là 12 lít/ ngày

Trước khi chọn mua một chiếc máy hút ẩm thì công việc quan trọng đầu tiên bạn cần lưu ý đó là xem căn phòng đặt máy hút ẩm có diện tích bao nhiêu để lựa chọn mức công suất hút ẩm cho phù hợp. Hai mẫu Edison ED12B và FujiE614B có mức công suất hút ẩm lần lượt là 12 lít/1 ngày và 14 lít/ 1 ngày trong điều kiện tiêu chuẩn (nhiệt độ 30 độ C và độ ẩm 80%), phù hợp cho các căn phòng nhỏ có diện tích từ từ 12 - 20m2.

Công suất hút ẩm trên chiếc FujiE 614EB là 14 lít/ ngày

Mặc dù model 614EB đến từ hãng FujiE có công suất hút ẩm cao hơn model ED12B của Edison nhưng công suất tiêu thụ điện lại chỉ là 190W so với 260W của model ED12B. 

So độ ồn khi hoạt động

Một điểm cần lưu ý thứ hai khi chọn mua một chiếc máy hút ẩm là độ ồn của thiết bị khi hoạt động, đặc biệt là với môi trường cần yên tĩnh như phòng ngủ, phòng làm việc, phòng đọc, phòng họp, phòng khám và phòng thí nghiệm. Do đặc thù của máy hút ẩm là phải hoạt động gần như cả ngày, nên độ ồn của máy khi hoạt động có thể làm ảnh hưởng đến không gian sống trong căn nhà của bạn. Chúng tôi sẽ dùng một thiết bị đo độ ồn chuyên dụng để kiểm tra độ ồn khi hoạt động của hai chiếc máy này.

Độ ồn trong phòng khi máy chưa hoạt động

Khi chưa cho máy hoạt động thì độ ồn trong phòng duy trì ở mức 42-43dB.

Độ ồn khi máy hoạt động

Khi cho máy hoạt động và để chiếc máy đo độ ồn chuyên dụng ở trên thì độ ồn của chiếc Edison ED12B là khoảng 60dB. Còn chiếc FujiE 614EB thì có độ ồn thấp hơn một chút chỉ khoảng 55dB.

Độ ồn khi để máy đo ra xa khoảng 2 mét với máy hút ẩm

Sau đó, chúng tôi để máy đo độ ồn ra xa chiếc máy khoảng 2 mét thì độ ồn của chiếc Edison ED12B là khoảng 50dB.

Độ ồn khi để máy đo ra xa khoảng 2 mét với máy hút ẩm

Với chiếc FujiE 614EB, độ ồn giảm còn khoảng 45dB. Như vậy cả hai chiếc máy này đều có độ ồn rất thấp khi hoạt động, chiếc FujiE 614EB hoạt động có phần êm ái hơn và độ ồn gần như là không đáng kể, chỉ chênh khoảng 2 đến 3dB so với khi máy không bật.

So sánh dung tích bình chứa

Bình chứa nước ngưng tụ của máy

Khi máy hoạt động, hơi ẩm trong không khí sẽ được máy ngưng tụ và chuyển vào bình chứa nước ở phần phía dưới của máy. Trên model Edison ED12B dung tích bình chứa là 2,3 Lít, model 614EB của hãng FujiE thì dung tích bình chứa có nhỉnh hơn đôi chút 2,5 lít. Với những loại máy hút ẩm không có đường ống để nối dây dẫn nước ra ngoài, dung tích của bình chứa càng lớn bao nhiêu thì sẽ giảm được số lần bạn phải tháo bình chứa ra để đổ nước đi mỗi khi bình chứa đầy.

So sánh cách thức điều khiển hoạt động

Bảng điều khiển điện tử trên model FujiE 614EB

Trên FujiE 614B, chúng ta có một bảng điều khiển bằng điện tử với màn hình LCD hiển thị thông tin về độ ẩm theo thời gian thực.

Bảng điều khiển cơ học trên model Edison ED12B

Còn trên model của Edison thì bảng điều khiển là dạng cơ học, để điều chỉnh độ ẩm mong muốn thì các bạn chỉ cần vặn núm xoay này. Điều khiển bằng cơ học có lợi thế là thao tác nhanh tuy nhiên lại có hạn chế là dải độ ẩm không rộng, độ chính xác chưa cao và độ ẩm cũng hay bị thay đổi lên xuống không cố định do môi trường xung quanh phòng. Với bảng điều khiển điện tử thì chúng ta có thể điều chỉnh được dải độ ẩm rộng, dễ dàng thao tác sử dụng cả ban ngày cũng như ban đêm.

Bảng điều khiển điện tử cho khả năng hoạt động chính xác hơn

Ngoài ra, bảng điều khiển điện tử cũng cho độ chính xác cao và hiển thị thông tin trực quan hơn với màn hình LCD. Như vậy với các môi trường phòng kho, bảo quản, phòng khám, phòng thí nghiệm cần duy trì độ ẩm chính xác ở ngưỡng nhất định thì máy hút ẩm sử dụng bảng điều khiển điện tử sẽ giúp điều khiển độ ẩm chính xác hơn so với điều khiển cơ.

Chức năng hẹn giờ

Trên model FujiE còn có thêm chức năng hẹn giờ hoạt động

Một chức năng khá hữu ích được trang bị trên model của hãng FujiE đó là tính năng hẹn giờ hoạt động. Nếu bạn muốn thiết bị chỉ hoạt động trong 2 tiếng thì bạn có thể thao tác hẹn giờ hoạt động dễ dàng trên model 614EB. Hơi tiếc khi Edison lại không trang bị tính năng khá hữu ích và tiện lợi này trên sản phẩm của mình.

So sánh màng lọc không khí

Màng lọc thô và màng lọc Hepa trên model FujiE 614EB

Thông thường bên trong máy hút ẩm các nhà sản xuất đều trang bị cho sản phẩm của mình một màng lọc không khí. Màng lọc này cũng là một yếu tố quyết định nhiều đến chất lượng không khí trong phòng bạn. Model của Edison được trang bị màng lọc không khí thô thông thường, còn FujiE có thêm màng lọc HEPA có hiệu suất lọc cao bên cạnh màng lọc thô.

Màng lọc này có tuổi thọ 2 năm

Màng lọc HEPA có cấu tạo bởi các sợi thủy tinh có đường kính rất nhỏ, từ 0.5 đến 2.0 micromet được sắp xếp ngẫu nhiên. Màng lọc này có hiệu quả lọc 99,97% với cỡ hạt nhỏ nhất là 0.3 micron và có tuổi thọ lên đến 2 năm. Với việc được trang bị màng lọc HEPA thì model FujiE 614EB có thể hoạt động như một chiếc máy lọc không khí.

Kết luận sơ bộ

Hai sản phẩm này có mức giá khá tương đương nhau. Model Edison ED12B đến từ thương hiệu có tên tuổi lâu năm trên thị trường hiện đang có giá 4,85 triệu đồng. Model FujiE 614EB có giá thấp hơn một chút là 4,65 triệu đồng. Cả hai sản phẩm đều có thời gian bảo hành lên đến 2 năm.

Nếu bạn muốn mua một sản phẩm có thương hiệu lớn, chạy ổn định, dễ thao tác, sử dụng và không cần quá nhiều chức năng thì bạn có thể chọn Edison ED12B. Ngược lại nếu bạn muốn sở hữu 1 chiếc máy với nhiều tính năng hiện đại, tiện nghi, có khả năng lọc không khí tốt với màng lọc HEPA thì bạn nên chọn model FujiE 614EB.

Nguyễn Sơn

Wednesday, December 28, 2016

Các smartphone đáng mua nhất của Samsung năm 2016 -

Các smartphone đáng mua nhất của Samsung năm 2016 -

Samsung hiện là nhà sản xuất smartphone lớn nhất toàn cầu và cũng là nhà sản xuất có dải sản phẩm rộng nhất, phủ khắp các phân khúc và các ngóc ngách trên thị trường.

Trong năm 2016, Samsung tung ra 15 mẫu smartphone mới ở thị trường Việt Nam. Kết hợp với các smartphone cũ vẫn đang bán, các smartphone của hãng điện thoại Hàn Quốc hiện phủ khắp các phân khúc từ mức giá chỉ trên 1 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng.

Dưới đây là một số sản phẩm smartphone đáng chú ý của Samsung hiện nay.

Samsung Galaxy S7 Edge/Galaxy S7

Sau thất bại cay đắng của Note 7 thì Galaxy S7 và S7 Edge là hai smartphone cao cấp tốt nhất của Samsung hiện nay và cũng có thể xem là những smartphone Android toàn diện nhất. Cả hai đều có thiết kế đẹp, độ hoàn thiện tốt, hiệu năng mượt mà, thời lượng pin dài, camera chụp ảnh ấn tượng và có khả năng chống nước. Màn hình Super AMOLED trên hai điện thoại này cũng là những màn hình có chất lượng hiển thị xuất sắc nhất trên smartphone hiện nay.

Xem thêm: 7 ấn tượng với bộ đôi Samsung Galaxy S7/S7 Edge

Samsung Galaxy A7 2016

Dòng A năm nay được Samsung thay đổi thiết kế gần với dòng S cao cấp với chất liệu khung kim loại và mặt lưng kính, vát cong 2.5D cả mặt trước và sau. Bên cạnh cải thiện thiết kế, chiếc Galaxy A7 2016 được trang bị cảm biến vân tay, sạc nhanh, màn hình Super AMOLED 5.5 inch chất lượng, camera có tốc độ chụp nhanh và đặc biệt thời lượng pin rất ấn tượng. Hiệu năng của điện thoại đủ đáp ứng tốt nhu cầu phổ thông, kể cả chơi game song vẫn có hiện tượng giật lag nhẹ với những game nặng đồ hoạ. So với thời điểm bán ra, mức giá của điện thoại này hiện đã tốt hơn nhiều, giảm từ 10,99 triệu đồng xuống còn 8,99 triệu đồng.

Tham khảo: Đánh giá Samsung Galaxy A7 2016: máy đẹp, pin tốt, hiệu năng tầm trung

Samsung Galaxy A5 2016

Chiếc A5 2016 là phiên bản rút gọn kích cỡ của A7 2016 với màn hình còn 5.2 inch. Kiểu dáng thiết kế, chất liệu kim loại/kính và các chi tiết như cảm biến vân tay, camera, sức mạnh xử lý trên A5 (6) đều được kế thừa gần như nguyên vẹn của A7 (6). Sản phẩm cũng có thời lượng sử dụng pin rất tốt, đủ dùng khoảng 2 ngày với nhu cầu sử dụng thông thường.

Mức giá hiện tại của A5 2016 cũng đã giảm gần 2 triệu đồng so với thời điểm mới bán ra hồi đầu năm, từ 9 triệu đồng còn 7,29 triệu đồng.

Tham khảo: Đánh giá Samsung Galaxy A5 2016: hoàn thiện tốt, pin bền

Samsung Galaxy A9 Pro

Đây là điện thoại "bự con" nhất (màn hình 6 inch), pin lớn nhất (5000 mAh) và đắt nhất (11,99 triệu đồng lúc mới bán ra và hiện giảm còn 10,99 triệu đồng) trong dòng A Series của Samsung hiện nay. Kiểu dáng thiết kế và chất liệu thân máy vẫn tương tự các mẫu A5 và A7 2016 gồm khung kim loại, mặt lưng kính với độ hoàn thiện tốt. Cấu hình sản phẩm có chút khác biệt, sử dụng vi xử lý Snapdragon 652 tám lõi 1,8GHz thay cho vi xử lý Exynos trên các mẫu khác của dòng A. Mức RAM được tăng lên 4GB cùng với 32GB bộ nhớ trong. Màn hình Super AMOLED 6 inch của Galaxy A9 Pro có chất lượng hiển thị tốt và có thể nhìn ngoài trời rõ ràng.

Đặc biệt, Galaxy A9 Pro có thể nói là smartphone pin "trâu" nhất trên thị trường hiện tại, có thể xem phim liên tục hơn một ngày (hơn 25 giờ), lướt web liên tục hơn 23 tiếng hay chơi game liên tục đến 9 tiếng rưỡi. Điều này kết hợp với màn hình lớn khiến cho A9 Pro trở thành lựa chọn lựa chọn giải trí di động đáng chú ý.

Xem thêm: Đánh giá pin Samsung Galaxy A9 Pro: xô đổ mọi kỷ lục

Samsung Galaxy J7 2016

Galaxy J7 2016 bán ra thị trường vào tháng 5 với giá ban đầu là 6,29 triệu đồng. Hiện tại, sản phẩm được giảm giá chỉ còn 4,3 triệu đồng. Với mức giá mới này thì J7 2016 có một số điểm đáng chú ý: thời lượng pin rất tốt (xem phim được gần 14 giờ), thiết kế khung loại với độ hoàn thiện khá, màn hình Super AMOLED 5.5 inch đẹp và hiệu năng xử lý nhanh nhẹn nhờ chỉ phải đáp ứng độ phân giải HD.

Tham khảo: Đánh giá Samsung Galaxy J7 (2016): hoàn thiện khá, pin trâu bất ngờ

Samsung Galaxy J7 Prime

Đây là sản phẩm tầm trung được quảng cáo rầm rộ nhất của Samsung trong năm 2016. Sản phẩm được xem là quân bài của Samsung để "đối đầu trực tiếp" với chiếc Oppo F1S trên thị trường. Điện thoại này tuy có tên là J7 Prime song lại có ngôn ngữ và chất liệu thiết kế khác hẳn dòng J.

Cụ thể, J7 Prime có kiểu dáng thân kim loại, cảm biến vân tay và cấu hình đủ dùng. Nếu thích một chiếc điện thoại Samsung giá tầm trung với thiết kế kim loại đẹp, dễ cầm và hiệu năng ở mức cơ bản thì đây là sản phẩm đáng cân nhắc. Song cũng lưu ý là máy có điểm hạn chế là khả năng xử lý game khá kém, giật lag khó chịu khi phải xử lý những game nặng đồ hoạ.

Tham khảo: Đánh giá nhanh Samsung Galaxy J7 Prime bản thương mại

TT

Tuesday, December 27, 2016

Đọ chi tiết Oppo A39 và Galaxy J5 Prime -

Đây là hai sản phẩm rút gọn của cặp đôi Oppo F1S và Galaxy J7 Prime đang rất thành công trên thị trường hiện nay. Tuy vậy, mỗi máy lại được nhà sản xuất "rút gọn" theo một chiều hướng khác nhau.

Oppo A39 và Galaxy J5 Prime là cặp song đấu mới của Oppo và Samsung, hai thương hiệu đứng đầu thị trường smartphone ở Việt Nam hiện nay. Dường như Samsung đang lo lắng trước bước phát triển của Oppo nên bắt đầu ra mắt những sản phẩm để kèm cặp những sản phẩm mới của hãng điện thoại Trung Quốc. Sau khi Oppo ra mắt chiếc F1S vào tháng 8/2016 với chiến dịch tiếp thị rầm rộ, chỉ vài tuần sau đó Samsung cũng giới thiệu chiếc Galaxy J7 Prime ở tầm giá tương đồng. Đáng chú ý, J7 Prime là smartphone tầm trung đầu tiên được hãng điện thoại Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức lễ ra mắt hoành tráng như sản phẩm đầu bảng cùng với các chương trình tiếp thị phủ khắp các kênh truyền thông sau đó.

Trở lại với cặp đôi Oppo A39 và Galaxy J5 Prime, đây có thể coi là bản rút gọn của Oppo F1S và Galaxy J7 Prime, đồng thời cũng là cặp sản phẩm song đấu trực diện thứ hai của Samsung và Oppo trên thị trường. So với đàn anh, Oppo A39 bị rút gọn kích cỡ màn hình, cảm biến vân tay và camera tự sướng 16MP trong khi giữ nguyên sức mạnh xử lý. Còn chiếc J5 Prime lại bị Samsung rút gọn mạnh về kích cỡ màn hình và sức mạnh xử lý nhưng giữ lại thân kim loại cùng cảm biến vân tay. Điều này khiến 2 sản phẩm có những khác biệt trong định hướng thu hút người dùng cũng như trải nghiệm.

Thiết kế

Hai máy khác nhau về kích cỡ và chất liệu thân máy. Chiếc Oppo A39 có thiết kế thân nhựa với màn hình 5.2 inch, trong khi đó J5 Prime sở hữu thiết kế thân kim loại với màn hình nhỏ hơn, 5 inch. Điện thoại của Oppo có thân máy mỏng hơn, song độ tối ưu viền (tỷ lệ màn hình/khung máy) kém chiếc Samsung một chút. Điều này cộng với kích cỡ nhỏ hơn và mặt lưng vát cong giúp cho J5 Prime cầm nắm ôm tay hơn.

Ở phía mặt trước, hai máy đều có kính cong 2.5D và có camera tự sướng 5MP. Sự khác biệt lớn nhất là chiếc J5 Prime có cảm biến vân tay tương tự đàn anh J7 Prime trong khi Oppo A39 đã bị rút gọn để ưu tiên giữ lại sức mạnh xử lý.

Ở mặt lưng, hai máy có sự tương đồng với camera chính 13MP cùng một đèn flash đơn. Độ hoàn thiện của 2 sản phẩm đều có thể đánh giá là khá tốt với các cổng và phím được cắt gọn gàng, các mối ghép giữa các thành phần ăn khớp nhau, không có kẽ hở. Chiếc Oppo A39 có thiết kế thân nhựa nhưng vẫn có được cảm nhận chắc chắn khi cầm trên tay.

Nhìn chung, hai sản phẩm đều có ngôn ngữ thiết kế riêng. Chiếc Oppo có màn hình lớn hơn, trong khi đó J5 Prime lại ăn điểm hơn ở cảm biến vân tay.

Chung cuộc: khó phân thắng bại

Màn hình

Hai máy có điểm chung là đều có độ phân giải HD và sử dụng tấm nền IPS LCD. Tấm nền PLS LCD của J5 Prime thực chất cũng là loại tấm nền IPS nhưng được Samsung sản xuất và đặt thương hiệu là PLS, giống như cách hãng này gọi màn hình OLED của mình sản xuất là Super AMOLED.

Khi đo bằng thiết bị đo màn hình chuyên dụng, màn hình của A39 thể hiện kết quả tốt hơn ở 5/6 tiêu chí gồm độ sáng tối đa, độ tương phản cao hơn, nhiệt màu gần ngưỡng chuẩn hơn và độ chính xác màu tốt hơn. Chiếc J5 Prime nhỉnh hơn ở khả năng thể hiện màu đen. Riêng tiêu chí đo độ sáng tối đa, J5 Prime được đo độ sáng tối đa ở chế độ chỉnh tay. Điện thoại này còn có chế độ ngoài trời sẽ tự động tăng độ sáng tối đa lên cao hơn mức tối đa khi chỉnh tay để giúp người dùng dễ nhìn hơn.

Bảng đo kết quả màn hình cho thấy Oppo A39 thể hiện tốt hơn J5 Prime

Khả năng thể hiện màu sắc cơ bản của Oppo A39 (chấm tròn là màu máy thể hiện, còn ô vuông là màu tiêu chuẩn, các chấm tròn càng gần với ô vuông càng chuẩn).

J5 Prime thể hiện các màu sắc cơ bản lệch nhiều hơn chút so với Oppo A39

Khi nhìn bằng mắt thường, nhiệt màu của hai máy đi theo 2 xu hướng khác nhau: chiếc Oppo hơi ám hồng còn J5 Prime lại ám xanh nhẹ. Điều này giúp cho màu sắc hiển thị trên màn hình của Oppo A39 trông ấm áp hơn. Màn hình của hai máy đều có góc nhìn rộng tương đồng nhau, màu sắc và độ tương phản biến đổi rất ít khi nhìn vào từ góc chếch. Khi nhìn ngoài trời nắng, hai màn hình đều có thể nhìn rõ tương đương nếu bật độ sáng lên mức cao nhất (với J5 Prime là bật chế độ xem ngoài trời).

Chung cuộc: Oppo A39 nhỉnh hơn

Phần mềm

Oppo A39 hiện được cài sẵn bản Color OS 3.0 tuỳ biến dựa trên Android 5.1, còn J5 Prime dùng bản TouchWiz dựa trên Android 6 mới mẻ hơn. Giao diện phần mềm của 2 máy có chút khác biệt, Oppo từ bỏ khay ứng dụngđưa mọi thứ lên màn hình chính, còn Samsung vẫn duy trì khay ứng dụng truyền thống của Android.

Về phần mềm, mỗi máy có những tính năng đặc trưng riêng. Oppo có bộ phần mềm bảo mật để mã hoá ứng dụng cũng như các thao tác điều khiển bằng cử chỉ khí màn hình tắt/bật và khi goi điện rất hữu ích, còn Samsung có một số tính năng đáng chú ý như ứng dụng S Bike để giúp người dùng lái xe máy an toàn, ứng dụng quà tặng Galaxy hay bộ phần mềm Microsoft Office tích hợp sẵn. Xem thêm bài đánh giá Oppo A39 tại đây và bài đánh giá J5 Prime tại đây để tìm hiểu đầy đủ hơn về phần mềm của mỗi máy.

Chung cuộc: khó phân thắng bại

Hiệu năng

Đây là điểm hai máy có khác biệt rõ rệt nhất. Chiếc Oppo nổi trội hơn hẳn ở sức mạnh của vi xử lý, RAM và cả dung lượng bộ nhớ. Điều này giúp cho Oppo A39 có thể chơi được các game nặng đồ hoạ như Asphalt 8 hay N.O.V.A.3 tương đối mượt ở chế độ đồ hoạ tự nhận (trung bình), trong khi chiếc J5 Prime xử lý bị giật lag nặng, rất khó chịu. Tuy vậy, sự khác nhau khi xử lý các ứng dụng nhẹ và cơ bản không nhiều. Mời bạn xem thêm Đọ hiệu năng Galaxy J5 Prime và Oppo A39 và video so sánh hiệu năng giữa hai máy phía dưới.

Chung cuộc: Oppo A39 trội hơn

Thời lượng pin

A39 có pin 2900 mAh, còn pin của J5 Prime là 2400 mAh. Trong 3 hoạt động lướt web, xem phim và chơi game, chiếc Oppo có thời lượng pin nhỉnh hơn ở hoạt động lướt web và xem phim, còn game thì J5 Prime có thời gian chơi lâu hơn hẳn.

Bài đo thời gian lướt web thực hiện trên mạng Wi-Fi thông qua chương trình giả lập việc sử dụng trong thực tế, tự động mở lần lượt và lặp lại 3 trang web phổ thông, giả lập thao tác cuộn trang để tính thời lượng pin từ 100% đến 10% với độ sáng màn hình 70%.

Xem bộ phim HD trên phần mềm MX Player, chạy lặp và tính thời gian từ lúc pin đầy 100% đến khi còn 10%. Độ sáng và âm lượng đặt ở mức khoảng 70%.

Chơi game giả lập trên phần mềm GFX Bench với độ sáng màn hình khoảng 70% cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.

Với kết quả trên, các bạn có thể sẽ băn khoăn tại sao J5 Prime với dung lượng pin ít hơn nhiều lại có thời gian pin không quá thua kém Oppo A39, thậm chí còn trội hơn ở thời gian chơi game? Điều này có thể là do chip Exynos 7570 dựa trên tiến trình 14nm mang lại khả năng tiêu hao điện năng thấp hơn so với chip MT6750 dựa trên tiến trình 28nm. Còn ở thời lượng pin chơi game, thông thường máy xử lý game mượt mà với tốc độ khung hình cao sẽ tốn pin hơn. Chính vì vậy, chiếc A39 dù có pin lớn hơn nhưng do GPU mạnh nên hao pin hơn so với GPU yếu của chiếc J5 Prime. Đổi lại chiếc Oppo sẽ có được trải nghiệm game thoải mái và dễ chịu hơn.

Chung cuộc: khó phân thắng bại

Camera

VnReview đã có bài so sánh khả năng chụp ảnh từ camera chính và camera trước của hai máy, mời bạn đọc xem tại đây và tại đây. Nhìn chung, ở camera chính, chiếc Oppo A39 có nhiệt màu cân bằng và tự nhiên hơn. Trong khi đó, Samsung Galaxy J5 Prime lại có độ chi tiết, tương phản và khả năng khử nhiễu tốt hơn. Còn với camera trước, hai máy thể hiện sự khác biệt không nhiều.

Ảnh chụp từ camera trước của 2 máy

Kết luận

Điểm khác biệt giữa Oppo A39 và J5 Prime cơ bản nằm ở định hướng rút gọn cấu hình từ thế hệ tiền nhiệm của chúng. Samsung thiên về người dùng phổ thông nên giữ lại cảm biến vân tay cùng thân kim loại, trong khi Oppo nhắm đến người dùng có nhu cầu chơi game và hiệu năng xử lý tốt nên giữ lại sức mạnh xử lý từ đàn anh Oppo F1S. Các yếu tố còn lại như màn hình, camera và thời lượng pin giữa hai máy có sự chênh lệch song không nhiều.

TP