Thursday, September 29, 2016

Đánh giá nhanh Samsung Galaxy J7 Prime bản thương mại -

Đánh giá nhanh Samsung Galaxy J7 Prime bản thương mại -

Chiếc Galaxy J7 Prime vừa được Samsung bán ra thị trường Việt Nam vào ngày 23/9 vừa qua. Đây được coi là sản phẩm để cạnh tranh với chiếc Oppo F1s cùng một số smartphone đáng chú ý ở tầm giá 6 triệu đồng như chiếc Xperia XA của Sony mới ra gần đây.

Galaxy J7 Prime có giá bán chính hãng 6,29 triệu đồng với hai lựa chọn màu là xám đen và vàng. Chiếc máy chúng tôi sử dụng trong bài viết có màu xám đen, là bản thương mại lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá 5,5 triệu đồng, rẻ hơn 800.000 so với giá công bố của hãng và còn được tặng kèm thẻ nhớ 16GB, gậy tự sướng cùng gói bảo hiểm tai nạn bất ngờ 1 năm (với khách mua từ ngày 23/9 đến 30/11). Ở các hệ thống khác, Samsung cũng đưa ra khá nhiều quà tặng dành cho người mua J7 Prime.

Galaxy J7 Prime và Oppo F1s có thiết kế và cấu hình khá giống nhau. So với sản phẩm của Oppo, chiếc Galaxy J7 Prime có độ phân giải màn hình cao hơn, xung nhịp CPU nhỉnh hơn chút và pin lớn hơn. Song, chiếc Oppo F1s lại có camera trước có độ phân giải lớn hơn, 16MP so với 8MP của đại điện đến từ Samsung.

Thiết kế

Galaxy J7 Prime có thiết kế thân kim loại mới mẻ so với các smartphone tầm trung của Samsung. Nếu so với các hãng khác, thiết kế của điện thoại này giống với chiếc Redmi Note 3 đời cũ của Xiaomi. Phần lưng máy có chất liệu chủ yếu là kim loại trong khi hai đầu phía trên và dưới có chất liệu nhựa. Kiểu dáng mặt lưng của hai máy cũng khá giống nhau, bo tròn các góc và cạnh. Bề mặt kim loại được sơn mịn không bị trơn và trông đẹp hơn chút so với Redmi Note 3.

Galaxy J7 Prime có đường viền cạnh trái và phải là kim loại liền tấm với mặt lưng nhưng các chi tiết trên hai cạnh này (phím nguồn, âm lượng, hai khay SIM và thẻ nhớ) có chất liệu nhựa, không phải kim loại. Tuy vậy, các phím bấm trên máy có độ nảy tốt và dễ thao tác. Điểm khác lạ ở cạnh phải là sự xuất hiện của khe loa ngoài khá nhỏ nằm phía trên phím nguồn. Âm lượng loa ngoài khá lớn song âm mỏng và bị rè khi tăng lên mức cao.

Mặt lưng chủ yếu từ kim loại nhung 2 đầu trên dưới vẫn là nhựa

Loa ngoài được đặt ở vị trí khá lạ là cạnh phải, phía trên nút nguồn

Ở phía mặt trước, màn hình của J7 Prime cong 2.5D ở mép và phần viền được tối ưu khá tốt, trông gọn gàng hơn so với những sản phẩm cùng tầm giá. Tỷ lệ diện tích hiển thị và toàn bộ mặt trước của sản phẩm là 73% so với Oppo F1s là 71%. Đây là con số khá cao, đặc biệt khi so với điện thoại HTC cùng tầm giá thì tỷ lệ này thường ở mức 67-69%. Điều này giúp bề ngang của máy gọn và dễ cầm một tay hơn.

Mặt trước của J7 Prime cũng có sự xuất hiện của phím Home chứa cảm biến vân tay. Cảm biến vân tay này có cơ chế hoạt động liên tục, chỉ cần chạm vào phím Home (không cần bấm) giống như cảm biến trên các máy của Xiaoimi. Cảm biến hoạt động khá nhạy, chỉ cần chạm vào là gần như màn hình đã hiện lên ngay sau đó.

Về độ hoàn thiện, những đường kết nối giữa kim loại và nhựa ở đầu trên và dưới của J7 Prime khá mịn màng và khít. Nhìn chung, nếu so với Samsung thì việc trang bị thân kim loại cho J7 Prime là một điều mới mẻ. Điều này kết hợp với những thông số cấu hình khá cao làm cho sản phẩm trở nên có sức hút. Nhưng có thể thấy những gì J7 Prime có thì một số smartphone Trung Quốc giá chỉ bằng hơn một nửa như Xiaomi Redmi Note 3 cũng đã có rồi.

Mép màn hình mặt trước cong 2.5D

Camera không bị lồi

Thân máy khá mỏng

Các cổng kết nối tập trung ở cạnh dưới

Máy hỗ trợ 2 khe cắm Nano SIM và thẻ nhớ riêng biệt

Phụ kiện đi kèm gồm củ, cáp sạc, tai nghe và một que chọc SIM

Màn hình

Màn hình 5.5 inch của Galaxy J7 Prime có độ phân giải Full-HD với mật độ điểm ảnh 401 PPI, có độ chi tiết tốt. Máy sử dụng loại màn hình LCD PLS (một biến thể khác của IPS) chứ không phải AMOLED quen thuộc trên các máy Samsung. Màn hình này có độ sáng ở mức khá và có chế độ tăng độ sáng cao hơn tối đa của mức chỉnh tay để xem rõ hơn ngoài trời. Khi sử dụng ngoài trời, bật chế độ này lên thì độ sáng màn hình đủ để nhìn rõ cả dưới trời nắng. Góc nhìn màn hình rộng, nhiệt màu ngả xanh khiến màu nền trắng hơi lạnh. Tuy nhiên, vẫn giống như các điện thoại Galaxy J khác, J7 Prime không có cảm biến ánh sáng để tự đồng điều chỉnh độ sáng màn hình theo môi trường.

Màn hình của J7 Prime (phía dưới) trông nhạt hơn chút so với Oppo F1s (phía trên)

Về màu sắc, lúc mới dùng, chúng tôi thấy màu sắc của J7 Prime thể hiện khá xỉn, hơi nhợt nhạt và không nịnh mắt. Tuy nhiên, khi đo trên thiết bị chuyên dụng, kết quả cho thấy màn hình của máy thể hiện màu sắc khá chuẩn. Các màu cơ bản đều gần với màu tiêu chuẩn. Có lẽ do quen với màu sắc sinh động trên các màn hình AMOLED của Samsung và nhiều smartphone của các hãng gần đây có xu hướng chỉnh màu màn hình đậm hơn, nên khi nhìn vào màn hình gần với màu tiêu chuẩn lại thấy nhạt, thiếu sinh động.

Ngoài màu sắc, kết quả đo cũng cho thấy màn hình của J7 Prime có độ sáng tối đa ở mức khá, khả năng thể hiện màu đen và độ tương phản tốt.

Bảng đo màn hình J7 Prime cùng một số máy cùng tầm giá

Màu sắc cơ bản thể hiện khá tốt

Phần mềm

Phần mềm của J7 Prime là phiên bản Android 6 giống với chiếc J7 (2016). Trên điện thoại này, Samsung đã trang bị hai tính năng mới đáng chú ý là chế độ lái xe an toàn S Bike và chế độ Siêu tiết kiệm dữ liệu.

S Bike là chế độ nhằm giúp người dùng lái xe an toàn hơn. Khi kích hoạt chế độ này, người dùng sẽ không nhận được thông báo nào trong lúc lái xe. Trong trường hợp khẩn cấp, người dùng vẫn có thể nhận được cuộc gọi nhưng cần dừng lại hoặc lái xe tốc độ dưới 10km/h mới nghe được cuộc gọi.

Chế độ S Bike

Trong khi đó, chế độ Siêu tiết kiệm pin khi bật thì các dữ liệu (ảnh, video và âm thanh) tải về máy và tải từ máy lên mạng sẽ được nén lại để giảm dung lượng. Dữ liệu chạy nền cũng sẽ bị hạn chế, chỉ cho phép tối đa 6 ứng dụng chạy ngầm (bạn được lựa chọn các ứng dụng này) khi bạn đang kết nối Internet di động.

Ngoài hai tính năng đáng chú ý trên trên, những ứng dụng và tính năng quen thuộc trên các smartphone tầm trung của Samung cũng đều có mặt trên J7 Prime. Đó là kho theme để thay đổi giao diện, bộ ứng dụng của Microsoft cùng 100GB dung lượng lưu trữ trên OneDrive cùng các ứng dụng riêng của Samsung như ứng dụng quà tặng Samsung, kho ứng dụng Galaxy Apps, ghi chú Samsung Note, ứng dụng sức khoẻ S Health, lịch S Planner… Bạn đọc có thể xem thêm bài đánh giá Samsung Galaxy J7 (2016) để tìm hiểu chi tiết hơn về các tính năng phần mềm có trên J7 (2016) cũng như J7 Prime.

Hiệu năng

Galaxy J7 Prime được kế thừa vi xử lý Exynos 7870 tám lõi Cortex-A53 tốc độ 1.6GHz từ mẫu đàn anh Galaxy J7 (2016) nhưng bộ nhớ đã được cải thiện lên 3GB RAM và 32GB bộ nhớ trong so với J7 (2016) chỉ có 2GB RAM và 16GB bộ nhớ trong. Bộ nhớ trong của J7 Prime còn trống 25,3GB dành cho người dùng, khá đủ với người dùng phổ thông không có nhu cầu cài nhiều game nặng trên máy.

Mặc dù RAM có cải thiện song vi xử lý Exynos 7870 không phải là mạnh khi phải đối mặt với độ phân giải Full-HD. Chính vì vậy, sức mạnh hiệu năng khi đo trên phần mềm và cả trải nghiệm thực tế của J7 Prime cũng chỉ ở mức trung bình so với các máy cùng tầm giá hiện nay, không có gì ấn tượng.

Trên phần mềm đo hiệu năng tổng thể Antutu và phần mềm đo hiệu năng xử lý của CPU là Geekbench, điện thoại này đạt điểm tương đương với Sony Xperia XA và người đàn anh J7 2016, nhỉnh hơn chút so với đối thủ cạnh tranh chính Oppo F1s. Tuy vậy, nếu so với những máy sử dụng chip xử lý Helio X10 (HTC One E9 hay Xiaomi Redmi Note 3) hay Snapdragon 650 (Xiaomi Redmi 3 Pro) thì điểm hiệu năng Antutu của J7 Prime kém khá nhiều.

Độ phân giải Full-HD có vẻ như là gánh nặng đối với chip đồ hoạ Mali T830MP tích hợp trên Exynos 7870 của J7 Prime, khiến cho điểm hiệu năng đồ hoạ đo trên phần mềm GFX Bench của máy đạt mức khá thấp so với những sản phẩm trong tầm giá hoặc thấp hơn. 

Trong sử dụng thực tế, máy vẫn đáp ứng ổn thoả nhu cầu sử dụng thông thường. Tốc độ xử lý các ứng dụng cơ bản trên máy cũng như các thao tác di chuyển trên giao diện nhanh nhẹn. Tuy vậy, trải nghiệm game đồ hoạ nặng đã không còn được mượt mà như mẫu đàn anh J7 (2016) với màn hình độ phân giải HD thấp hơn. Chơi thử game Asphalt 8 thì máy tự nhận ở chế độ đồ hoạ cao (High) nhưng quá trình chơi khung hình giật lag thấy rõ. Các game tự chỉnh chế độ đồ hoạ như N.O.V.A 3 hay Dead Trigger 2 cũng kém đi độ mượt mà. Nói chung, trải nghiệm game không còn được thoải mái như với J7 (2016).

Có thể nói đây là yếu tố Samsung phải đánh đổi, màn hình Full-HD chi tiết hơn song nó cũng là gánh nặng với việc xử lý, nhất là với các ứng dụng nhiều đồ hoạ giống như các game bắn súng hay đua xe. Tuy vậy, với những người dùng phổ thông không chơi nhiều game nặng thì đánh đổi này có thể mang lại nhiều lợi ích hơn trong trải nghiệm hàng ngày.

Camera

Galaxy J7 Prime sở hữu camera sau 13MP và camera trước 8MP, cả hai đều có ống kính khẩu mở khá lớn f/1.9. Chiếc camera sau có một đèn flash trợ sáng, còn camera trước không có đèn flash như J7 (2016) và cũng không có chế độ dùng ánh sáng từ màn hình để trợ sáng nếu chụp ở môi trường tối. Do thời gian trải nghiệm chưa lâu, chúng tôi mới dùng thử máy trong thời gian ngắn, chụp được một số ảnh trong các bối cảnh đủ sáng, ngược sáng, trong nhà và ngoài trời. Quá trình chụp nhận thấy máy có tốc độ chụp nhanh ở môi trường đủ sáng nhưng chế độ HDR hơi chậm, điểm chung của máy giá rẻ và tầm trung do vi xử lý hình ảnh tích hợp trong chip SoC không đủ mạnh. 

Chất lượng ảnh thu được khá tốt. Màu sắc ảnh tươi tắn, độ sáng hợp lý, độ sắc nét và chi tiết khá, dải sáng rộng giúp thu được nhiều chi tiết kể cả khi chụp chênh sáng. Trong điều kiện thiếu sáng, camera của J7 Prime vẫn cho chất lượng ổn, ảnh sáng rõ, độ nhiễu thấp, giữ được chi tiết và màu sắc. Đèn flash cũng hoạt động tương đối hiệu quả khi giúp chụp được những bức ảnh trong điều kiện rất thiếu sáng mà không làm đối tượng bị cháy sáng.

Một số ảnh chụp từ camera chính 13MP của Galaxy J7 Prime. Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ảnh gốc kích thước lớn.

Ảnh chụp tự động

Ảnh chụp ở chế độ HDR

Chụp ngược sáng bật HDR

Ảnh chụp tự động ở khi trời bắt đầu tối, máy xử lý nhiễu khá tốt

Chụp thiếu sáng, bật flash

Thời gian pin

J7 Prime có pin dung lượng 3300 mAh. Các smartphone của Samsung từ một hai năm trở lại đây đều có thời lượng pin khá ấn tượng, nhất là những máy dòng Galaxy J. Chúng tôi chưa có đánh giá chi tiết về pin của sản phẩm và sẽ cập nhật phần đánh giá này trong vài ngày tới. Trong 2 ngày dùng thử để viết bài đánh giá ở cường độ cao, máy đều cung cấp pin đủ dùng trong ngày, không phải sạc giữa chừng.

Trên đây là những đánh giá sơ bộ ban đầu sau thời gian ngắn sử dụng sản phẩm. Những nhận xét chi tiết về Galaxy J7 Prime sẽ được cập nhật trong vài ngày tới sau khi chúng tôi có thời gian trải nghiệm đầy đủ hơn. Mời bạn đọc theo dõi!

Thanh Phong

Đánh giá phím cơ Rocca Suora: gọn nhẹ, đủ tính năng, giá tốt -

Đánh giá phím cơ Rocca Suora: gọn nhẹ, đủ tính năng, giá tốt -

Khi nói về bàn phím chơi game, người ta thường nghĩ đến những sản phẩm với thiết kế hầm hố, màu mè và hàng loạt tính năng phụ trợ. Roccat Suora thì khác, đây là phím cơ chơi game với phong cách thiết kế rất đơn giản.

Suora là sản phẩm mới được hãng Roccat giới thiệu ở Computex 2016, bên cạnh bàn phím đặt đùi (lapboard) Sova. Suora gây ấn tượng nhờ thiết kế rất gọn nhẹ, đầy đủ chức năng và nhất là mức giá dễ chịu so với thương hiệu Roccat.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Sản phẩm hiện đã được bán tại Việt Nam thông qua nhà phân phối SVHouse. Giá tham khảo của chiếc bàn phím cơ này là 2,052 triệu đồng.

Thiết kế gọn nhẹ, tối giản

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Kích thước của Suora rất gọn với thiết kế "không khung"

Roccat gọi thiết kế của Suora là "không khung" (frameless). Quả thật khi nhìn từ trên xuống, phần viền bao xung quanh bàn phím rất mỏng, gần như không có không gian thừa. Suora sử dụng thiết kế phím nổi, các nút (switch) đều nằm trên mặt đế, do vậy phần đế (chứa mạch) có độ dày chỉ khoảng 1 cm. Về tổng thể, Suora gây ấn tượng nhờ kích thước gọn so với một chiếc phím full size và khác biệt hẳn so với các phím game thông thường với thiết kế hầm hố, màu mè (mà các sản phẩm trước của Roccat cũng không phải ngoại lệ).

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Tuy nhiên khi lên đèn thì trông bàn phím khá nổi bật

Sự đơn giản của Suora còn được thể hiện ở phông chữ khá "giản dị" chứ không phá cách, khó nhìn như nhiều bàn phím game khác. Phông chữ và kiểu dáng này khiến cho chiếc bàn phím không trở nên quá nổi bật, gây chú ý khi dùng trong môi trường văn phòng.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Logo của Roccat chiếm vị trí còn trống duy nhất trên mặt phím

Phần đế của bàn phím chắc chắn và khá mát tay do mặt trên làm từ nhôm. Một điểm thú vị nữa là Suora không có các đèn báo trạng thái cho những nút Caps Lock, Scroll Lock và Num Lock. Thay vào đó chính các nút này sẽ đóng vai trò thông báo: khi nút được bật thì đèn LED của nút sẽ sáng và ngược lại.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Dây USB được bọc lưới giúp làm tăng độ bền, giảm nguy cơ dây bị gãy, hỏng

Đèn LED của Suora chỉ có một màu xanh cơ bản. Chế độ đèn cũng khá ít, chỉ bao gồm bật, tắt hoặc chế độ thở (chuyển từ từ giữa tắt và bật). Roccat cho phép điều chỉnh đến 10 mức sáng, phù hợp cho nhiều hoàn cảnh sử dụng khác nhau. Hiện nay bàn phím có LED RGB rất được ưa chuộng, nhưng với mức giá của Suora thì việc không có LED RGB hay các chế độ sáng khác cũng là dễ hiểu.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Cụm phím macro và phím kích hoạt (Game Mode) được đặt ở góc phải

Điểm trừ của chiếc bàn phím này là chất lượng keycap chỉ ở mức trung bình, bề mặt dễ bám vân tay. Do sử dụng profile Cherry khá phổ thông nên nếu cần, người dùng có thể thay keycap cho bàn phím này. Dây cắm là loại dây liền, ở mặt dưới của phím không có các khe để chạy dây nên hơi bất tiện cho việc sắp xếp, đi dây trong một bàn làm việc hay máy tính chơi game.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Chất lượng keycap của Suora chỉ ở mức trung bình

Suora được trang bị 6 phím macro, đặt ở cụm phím phía trên phím điều hướng (Home, End, Del, Insert…). Ở góc trên cùng của bàn phím là nút Game Mode, khi bật nút này thì chức năng thông thường của cụm phím sẽ được thay bằng chức năng macro, đồng thời phím Windows cũng sẽ bị khóa.

Đây là cụm phím ít dùng trên đa phần các thể loại game và để duy trì thiết kế tối giản thì đây cũng là vị trí duy nhất có thể đặt các phím macro trên Suora. Tuy nhiên khi vào game thì đây chưa hẳn là vị trí hợp lý, vì thường tay phải người chơi sẽ dùng để cầm chuột, do vậy sẽ khó có thể thao tác với các nút macro liên tục.

Roccat Swarm: phần mềm điều khiển với vô số tùy biến

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Việc điều chỉnh, gán chức năng của các phím này đều được thực hiện qua phần mềm Swarm. Bạn có thể tự tạo ra macro cho mình hoặc lựa chọn trong danh sách vài chục game có sẵn mà Swarm cung cấp. Phần mềm này còn cho phép bạn căn thời gian giữa các lần bấm để tạo ra macro chuẩn xác nhất. Macro không chỉ áp dụng cho game, mà các công việc hàng ngày thì các thao tác lặp đi lặp lại, hoặc các phím tắt thường dùng trong Windows cũng có thể áp dụng macro.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Trong phần mềm có sẵn 5 profile để lưu macro cho các game khác nhau, nhưng để chuyển đổi profile thì bắt buộc phải bật Swarm lên chứ không chỉnh nhanh được trên phím. Ngoài ra, Swarm cũng cho phép thay đổi chức năng cho từng phím bấm một, mức độ tùy biến rất cao. Suora không có nhiều tính năng hiển thị LED và các điều chỉnh về đèn ở trong Swarm cũng có thể thực hiện được ngay trên bàn phím chứ không cần vào phần mềm.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Hiệu ứng nháy đèn của phím khá nghèo nàn

Một phần khá thú vị ở SWARM là cho phép bật tiếng gõ chữ, giống như khi ta gõ chữ ở bàn phím ảo trên điện thoại. Phần mềm này cung cấp tới 4 loại âm thanh, ngoài âm thanh click thông thường hay âm thanh máy gõ chữ còn có 2 loại âm thanh giống như trong game.

Trải nghiệm gõ phím và chơi game với Suora

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Suora sử dụng switch Brown của TTC

Suora sử dụng switch brown của TTC, một nhà sản xuất Trung Quốc. Hãng này đã thành lập được gần 20 năm, trước đây thường làm nút bấm cho chuột máy tính và mới bắt đầu tham gia thị trường nút phím cơ gần đây. Các sản phẩm sử dụng switch TTC không nhiều, và đây cũng được coi là một trong những công ty "học tập" Cherry với phần lớn các loại switch giống nhau.

Switch brown là một trong những loại switch phổ biến nhất, nó được ưa chuộng vì vẫn có lực phản hồi (tactile) khi nhấn phím, nhưng tiếng ồn không lớn như switch blue. Do vậy loại phím này cũng phù hợp cả với việc chơi game và khi dùng trong văn phòng. Thông số về khoảng di chuyển, lực nhấn… của switch brown mà TTC công bố cũng gần giống với con số của Cherry.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Switch Brown rất hợp để đánh máy, vừa có lực phản hồi vừa không quá ồn

Người viết đã thử so cảm giác đánh máy giữa Suora và chiếc Leopold FC500R, sử dụng switch Cherry MX Brown. Thực tế là cảm giác gõ của hai thiết bị khá giống nhau, lực phản hồi của chiếc Suora mạnh hơn nhưng ít. Bên cạnh đó tiếng gõ phím của Suora lớn hơn chút nên khi dùng ở môi trường yên tĩnh vẫn có thể gây khó chịu cho người khác. Suora sử dụng kiểu cố định bằng thanh kim loại (Costar stabilizer) trên các phím dài, tạo được cảm giác chắc chắn, khi đặt tay vào hai cạnh thì phím cũng không bị xê dịch nhiều. Nếu như Cherry MX Brown được đánh giá là một trong hai loại switch tốt nhất cho việc gõ văn bản thì switch TTC Brown trên Suora cũng không thua kém nhiều.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Khi chơi các game cần dùng chuột để điều khiển thì vị trí hàng phím macro ở phía tay phải không phải là thuận tiện nhất

Khi chơi game, như đã nói ở trên vị trí các phím macro chưa thực sự hợp lý do không thể vừa di chuột (tay phải), vừa bấm macro liên tục. Do vậy bàn phím này sẽ không hợp với những game chiến thuật mà người chơi phải liên tục gõ lệnh, trong khi vẫn dùng chuột để di chuyển và định vị. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các bàn phím game đều bố trí cụm phím macro dọc cạnh trái, nơi mà người chơi có thể dễ dàng vươn tới bằng tay trái mà không phải di tay quá xa.

Bù lại thì Suora vẫn đáp ứng ổn những game kiểu bắn súng hoặc combat. Trong game bắn súng kiểu Counter Strike, tôi có thể gán các lệnh mua súng nhanh vào đầu vòng đấu, sau đó thì không cần động vào phím macro nữa. Với game dạng combat, di chuyển bằng bốn phím điều hướng thì việc vươn tay lên bấm phím để đánh combo cũng khá tiện, tất nhiên là sẽ phải mất thời gian làm quen và nhớ nút.

Đánh giá phím cơ Rocca Suora

Các chức năng phụ được trang bị đầy đủ ở dãy phím F

Suora cũng được trang bị rất đầy đủ các phím chức năng phụ. Cụm điều khiển media được đặt ở phím từ F9 – F12, riêng 3 nút điều chỉnh âm thanh thì được tách rời và đặt phía trên bàn phím số. Ngoài ra, bàn phím còn có 4 phím khác (từ F5 – F9) dành cho các chức năng như mở trình duyệt, máy tính… Các chức năng này đều có thể bật nhanh khi dùng phím Fn và tùy chỉnh trong phần mềm Swarm.

Kết luận

Suora là một làn gió mới của Roccat. Bàn phím này sở hữu một thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và đáp ứng đủ nhu cầu chơi game với một số thể loại như FPS. Suora có thể là bàn phím mà bạn mang đi để chơi on LAN (chơi ngoài hàng).

Một ưu điểm nữa của Suora là mức giá hợp lý, xấp xỉ 2 triệu đồng. Ở mức giá này không có nhiều bàn phím cơ full size từ những thương hiệu lớn, chưa nói tới bàn phím có LED, đủ tính năng macro và tùy biến như Suora. Mặc dù thiết kế có phần không hợp lý đối với game chiến thuật, Suora vẫn là một lựa chọn phím cơ rất hấp dẫn ở tầm giá 2 triệu đồng.

Điểm mạnh:

+ Thiết kế viền mỏng, gọn gàng, có đèn LED

+ Đầy đủ phím điều khiển media và chức năng

+ Được trang bị phần mềm điều khiển với khả năng tùy chỉnh rất mạnh mẽ

+ Giá dễ chịu so với thương hiệu

Điểm yếu:

- Vị trí đặt nút macro chưa hợp lý với các game chiến thuật

- Chất lượng keycap chỉ ở mức trung bình

Anh Tú

Wednesday, September 28, 2016

Đọ chi tiết camera Samsung Galaxy J7 Prime và Oppo F1s -

Đọ chi tiết camera Samsung Galaxy J7 Prime và Oppo F1s -

Đây là hai sản phẩm đang được quảng bá mạnh mẽ và cũng là những đối thủ trực tiếp với nhau trên thị trường ở tầm giá máy 6 triệu đồng chính hãng.

Samsung Galaxy J7 Prime và Oppo F1s có thiết kế và cấu hình khá giống nhau. Mức giá của hai sản phẩm cũng tương đồng, J7 Prime là 6,29 triệu đồng (sản phẩm này chúng tôi lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá rẻ hơn, chỉ còn 5,5 triệu đồng) và Oppo F1s là 5,99 triệu đồng. So với sản phẩm của Oppo, chiếc Galaxy J7 Prime có độ phân giải màn hình cao hơn, xung nhịp CPU nhỉnh hơn chút, và pin dung lượng tốt hơn.

Về camera, camera sau của 2 máy đều có độ phân giải 13MP. Chiếc camera sau của J7 Prime có ống kính khẩu mở lớn hơn (f/1.9 so với f/2.0) song góc chụp lại hẹp hơn Oppo F1s một chút. Camera trước của Oppo ưu thế hơn hẳn về độ phân giải, 16MP so với 8MP trên điện thoại của Samsung.

VnReview đã thực hiện so sánh chi tiết camera của hai máy trong nhiều điều kiện ánh sáng và tình huống chụp khác nhau. Các ảnh được đưa ra so sánh đều được chụp ở chế độ tự động hoặc HDR, lấy nét đo sáng vào một điểm và mỗi ảnh chụp 3 tấm để chọn ra ảnh đẹp nhất.  Bạn đọc có thể bấm vào mỗi ảnh để xem ảnh gốc, kích thước lớn.

Độ nét, chi tiết, tương phản

Crop 100% vào trung tâm ảnh

Crop 100% ở rìa ảnh

Ở điều kiện đủ sáng, có thể thấy Galaxy J7 Prime cho độ sắc nét, chi tiết và tương phản tốt hơn Oppo F1s. Các đường nét, góc cạnh của tòa nhà được chiếc điện thoại của Samsung tái hiện rõ ràng. Sự chênh lệch giữa các mảng sáng tối và màu đen trong ảnh của J7 Prime cũng thể hiện ấn tượng hơn. Khi crop 100% vào trung tâm ảnh, phần bảng chữ trên toàn nhà trong ảnh của J7 Prime cũng rõ nét hơn. Tuy nhiên, khi crop 100% vào rìa ảnh Oppo F1s lại cho độ nét nhỉnh hơn. Điều này có thể do khẩu độ ống kính của J7 Prime là f/1.9 so với f/2.2 của F1s nên khó có thể giữ được độ sắc nét ở phần góc ảnh. 

Crop 100% ở trung tâm ảnh, phần nhụy hoa

Crop 100% ở trung tâm ảnh, phần cánh hoa

Với ảnh cận cảnh, J7 Prime cũng cho độ sắc nét, chi tiết, tương phản tốt hơn F1s. Phần cánh hoa trong ảnh của J7 Prime nổi khối, sống động hơn hẳn, ngay cả những chi tiết nhỏ ở phần nhụy hoa cũng được tái tạo rõ ràng. Khẩu độ lớn còn giúp J7 Prime "xóa phông" tốt, tạo nên bức ảnh cận cảnh ấn tượng hơn F1s. Tuy vậy, màu sắc bông hoa và cành cây trong của Oppo F1s thể hiện tự nhiên và gần với thực tế hơn.

Crop 100% ở trung tâm ảnh

Crop 100% ở rìa ảnh

Khi ánh sáng yếu đi, độ chi tiết của hai không chênh lệch đáng kể song nếu để ý kỹ thì chiếc Oppo F1s có độ sắc nét nhỉnh hơn chút. Ảnh từ J7 Prime ít nhiễu hơn song có lẽ cùng vì thế mà phải hy sinh độ sắc nét. Điểm khác biệt lớn là màu sắc của bức ảnh, chiếc J7 Prime đẩy màu vàng lên thái quá trong khi màu sắc ảnh của Oppo F1s lại nhạt hơn thực tế một chút.

Dải sáng, chênh sáng, ngược sáng (HDR)

Bức ảnh trên chụp ở chế độ tự động trong điều kiện nắng gắt và phần nền phía sau chênh sáng mạnh. Hai máy thể hiện dải sáng không chênh nhau quá nhiều, đều ở mức trung bình. Khác biệt lớn nhất giữa hai máy là ở cân bằng trắng. Ảnh chụp của J7 Prime cân bằng không tốt, hơi lạnh nên màu lá cây bị nhạt đi trong khi Oppo F1s cho cân bằng trắng chuẩn hơn.

Ảnh chụp ở chế độ HDR

Khi bật chế độ HDR, cả 2 máy đều cải thiện rõ rệt về dải sáng giúp thu được nhiều chi tiết hơn, phần nền không còn bị cháy sáng. Ảnh HDR của J7 Prime có dải sáng nhỉnh hơn chút giúp các chi tiết ở vùng chênh sáng như mái nhà và lùm cây ở góc ảnh trông rõ ràng hơn.

Ảnh chụp ở chế tự động

Ảnh chụp ở chế độ HDR

Với các tình huống ngược sáng, ảnh ở chế độ tự động và HDR của J7 Prime thể hiện tốt hơn F1s. Ảnh giữ được độ tương phản cao khiến bức ảnh có chiều sâu hơn. Chiếc F1s chỉ nhỉnh hơn ở khả năng cân bằng màu sắc khi giữ tông màu gần với mắt nhìn.

Màu sắc, cân bằng trắng

Với các chủ thể nhiều màu sắc, J7 Prime có xu hướng đẩy các gam màu lên cao và cân bằng trắng thiên về tông ấm áp khiến ảnh trông rực rỡ hơn nhưng đôi khi hơi quá đà làm ảnh trông giả tạo. F1s cân bằng trắng thiên tông lạnh và cố giữ màu sắc trung tính nên nước ảnh vừa phải, gần với thực tế.

Việc cân bằng trắng quá thiên về tông ấm thể hiện rõ nhất trên J7 Prime khi chụp những chủ thể có nhiều màu vàng. Chiếc điện thoại của Samsung cho ra bức ảnh lệch hẳn màu so với thực tế với màu vàng quá rực. F1s giữ được phong độ khi vẫn cho cân bằng trắng khá chuẩn và tái tạo màu sắc tương đối chính xác.  

Khi khung cảnh đủ sáng, tông màu và cân bằng trắng của J7 Prime lại có xu hướng ngược lại khi thiên về tông lạnh, màu sắc có phần xỉn đi khiến màu da của cậu bé xám lại và phần lá cây có phần nhợt nhạt. F1s giữ được màu sắc và cân bằng trắng khá tốt, gần với thực tế.    

Độ sáng, khử nhiễu

Crop 100% ở trung tâm ảnh

Nhờ ưu thế khẩu độ lớn, J7 Prime có thể hạ thấp mức ISO và cho ra những bức ảnh trong điều kiện thiếu sáng ít nhiễu, trong trẻo hơn F1s. Nhưng cũng vì khử nhiễu quá mạnh nên ảnh thiếu sáng của J7 Prime có độ nét và chi tiết không tốt. Điều này thể hiện rõ khi phóng lớn ảnh và nhìn vào các chi tiết như cạnh viền của các biển quảng cáo.

Trong điều kiện cực kỳ thiếu sáng, ưu thế khẩu độ lớn của J7 Prime phát huy tác dụng rõ rệt hơn. Ảnh từ điện thoại của Samsung sáng rõ hơn hẳn đối thủ Oppo, màu sắc vẫn được tái tạo chuẩn trong khi F1s do phải đầy mức ISO lên quá cao (thường trên 1000) nên ảnh bắt đầu mất màu và nhiễu hạt nặng.

Đèn flash trên J7 Prime cũng hoạt động hiệu quả hơn F1s. Trong tình huống trên, khi ánh sáng môi trường rất thấp buộc phải bật flash mới có thể chụp được, điện thoại Samsung thể hiện độ chi tiết và sắc nét rất tốt, giúp phần cánh hoa nổi bật lên hẳn mà không làm cháy sáng, mức ISO tự động hạ thấp xuống 80 để ảnh trong hơn. Trong khi đó, dù đã bật flash nhưng mức ISO của F1s vẫn đặt ở mức 1000 khiến ảnh không tránh khỏi nhiễu hạt nặng, độ chi tiết kém.

Tự sướng từ camera trước

Lợi thế từ camera trước tới 16MP giúp Oppo F1s có được những bức ảnh selfie trong điều kiện đủ sáng chất lượng rất tốt. Các yếu tố sắc nét, chi tiết, nổi khối, tương phản đều đạt mức cao, thể hiện ở gương mặt hay phần tóc của cô gái, bụi cây phía sau. Màu sắc, đặc biệt là màu da cũng rất hồng hào, tươi tắn, hợp với người châu Á. Chiếc J7 Prime với camera trước 8MP cũng cho ảnh "tự sướng" khá nhưng độ nét, chi tiết, tương phản, màu sắc đều kém F1s.

Khi selfie trong nhà với ánh sáng đèn huỳnh quang, cả 2 máy vẫn giữ được chất lượng tốt. Oppo F1s vẫn trội hơn Galaxy J7 Prime ở độ nét, màu sắc, các chi tiết tách bạch, thể hiện ở phần mái tóc không bị bệt vào nhau.

Trong điều kiện trong nhà, rất thiếu sáng, ảnh selfie từ F1s cũng tốt hơn J7 Prime. Khuôn mặt cô gái vẫn đủ sáng, màu da giữ được nét hồng hào, độ nét, chi tiết ổn. Galaxy J7 Prime dù khẩu độ lớn hơn với f/1.9 nhưng vẫn không thu đủ sáng khiến mặt cô gái tối lại, màu da bị xám đi, chi tiết mờ nhòe.

Kết luận

Tổng kết lại, với camera chính phía sau Samsung Galaxy J7 Prime cho ảnh có độ nét, chi tiết, tương phản, độ sáng, dải sáng tốt hơn Oppo F1s. Khả năng chụp thiếu sáng của J7 Prime cũng trội hơn, ít nhiễu, sáng rõ hơn. Camera của Oppo F1s nhỉnh hơn ở khả năng cân bằng trắng và màu sắc gần với thực tế, các gam màu được tái tạo chuẩn không bị rực lên quá nhiều như J7 Prime.

Còn với camera phụ phía trước, Oppo F1s cho ảnh tốt hơn hẳn J7 Prime. Trong cả điều kiện đủ sáng và thiếu sáng, ảnh "tự sướng" từ điện thoại của Oppo đều sắc nét, chi tiết và tái tạo màu da, độ tương phản trội hơn đối thủ Samsung.

Tiến Đạt